5/5 - (1 bình chọn)
Mình đi xe đạp hơn 3 năm, mục tiêu ban đầu để giữ sức khỏe, nhưng càng dùng xe đạp lâu càng thấy nhiều điều thú vị về bộ môn này. Sau đây là một số tips của mình để chọn một chiếc xe phù hợp – an toàn mà mình đã rút ra.
Tại sao là an toàn? Vì nếu bạn đi một chiếc xe không phù hợp với cơ thể về lâu dài sẽ gây hại đến sức khỏe của bạn

1. Chọn kiểu dáng xe mình thích.
2. Lựa chọn kích thước phù hợp.
3. Căn chỉnh xe cho phù hợp.
4. Các phụ kiện cần mua thêm.

5. Các tùy biến nâng cấp – thay thế.
6. Bảo dưỡng – kiểm tra định kỳ.
7. Chia sẻ thêm về chiếc xe mình đang dùng.
Chi tiết ngay bên dưới.
  • Ngầu ngầu như mấy chiếc xe đạp bánh to.
  • Đi 40km/h như mấy chiếc xe đạp cuộc.
  • Lang thang thơ thẩn đi dạo phố trên những chiếc xe có rổ trước chở đầy hoa…

Có rất nhiều loại xe đạp – một số loại cơ bản thường dùng như sau:

  • Xe đạp địa hình. (Mountain bike)
  • Xe đạp cuộc (hay xe đạp Road/đạp đua)
  • Xe đạp thành phố (city bike, fixed gear)
  • Xe đạp đường trường. (Touring Bike)
  • và Xe đạp nữ. (Women bike)

Mọi người xem hình dưới đây nhé

tinhte_kinhnghiemxedap1.jpg
Từ trái qua phải: City – Road – Mountain – City – Women – Touring.

  • Mỗi loại có đặc điểm sử dụng riêng, với mình ban đầu mua xác định chạy loanh quanh trong thành phố là chủ yếu nên mình chọn City bike.
  • Mỗi loại xe sẽ có mẫu mã và giá cả đa dạng tùy thuộc vào chất liệu/chất lượng vật liệu.

Lời khuyên riêng: Hãy nhìn và chọn loại mình thích vì như khi ăn mặc đẹp sẽ có tự tin, đi xe mình thích sẽ có động lực.

Xe đạp cũng có size như quần áo vậy. S M L XL XXL XXXL… mặc sai size quần áo thì không đẹp, đi sai size xe đạp thì hại thân. Thời gian đầu mới đạp xe do chưa tìm hiểu kĩ mình đã bị đau lưng nặng do vấn đề này, mong anh em lưu ý hết sức có thể.

Mỗi loại xe ở phần 1 cũng có bảng size riêng/mỗi hãng có size khác nhau tùy thị trường.
Chọn Size xe tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng của anh em. Tuy nhiên nhắc lại là anh chị em nhất định phải chọn đúng Size!
Ngồi lên xe size nào cũng chắc chắn sẽ chạy được nhưng Tại sao phải kĩ?

Vì đi sai size sẽ lợi bất cập hại. Ví dụ: vùng lưng dưới khi đạp xe sẽ vận động liên tục, nếu size xe nhỏ hơn kích thước cơ thể, khi ngồi lên anh em sẽ cong lưng lại (do sườn xe ngắn) sẽ gây đau lưng nặng – thoát vị đĩa đệm, ngoài ra còn dễ đau mỏi một vài vùng khác do không đúng tư thế.
Lâu lâu bí quá xách xe đạp sai size đi chợ cũng ok, nhưng để đạp lâu dài cần chuẩn nha anh em.tinhte_kinhnghiemxedap2.jpg

Lời khuyên riêng: mỗi hãng xe đạp có một bảng size riêng cho từng dòng, ví dụ ảnh trên là Size xe của Giant, link full https://www.giant-bicycles.com/_upload_au/rider_height_frame_size.PDF , anh em nên tham khảo trước rồi ra cửa hàng ngồi thử. Có khi size L của hãng này bằng XL của hãng kia nên anh em lưu ý kĩ nhé.

 

Phần này cũng rất quan trọng, ví dụ size M dòng địa hình (Mountain) của Giant dành cho người có chiều cao từ 1m72 – 1m88. Không phải quăng xe đó mình ngồi lên là chạy được.

Có 2 thứ cần căn chỉnh.
1 là yên xe: Tốt nhất là khi mua nhờ cửa hàng chỉnh cho mình luôn.
2 là tay lái: có thể chỉnh, có thể không tùy theo xe.

Yên xe quan trọng nhất do chiều dài đùi mỗi người khác nhau, độ cao yên sẽ cần khác nhau để thoát lực và đạt hiệu quả đạp tốt nhất.

Phụ kiện mang tính chất bắt buộc: Bơm xe, đèn cảnh báo (nếu đạp ban đêm), bọc đệm yên hoặc quần đệm (để bảo vệ bờ mông và bộ phận kia).

 

  • Tại sao mua bơm? Bánh xe đạp thoát hơi nhanh và nhiều hơn xe máy rất nhiều, đem ra ngoài tiệm bơm thì có thể gây hư hỏng lốp do áp suất quá lớn, tốt nhất là mua cái bơm có đồng hồ áp suất (xong xem thông số vỏ mà bơm), 2-3 hôm kiểm tra và bơm lại 1 lần để đảm bảo. Nên mua loại bơm to, bơm được xe máy ấy, đừng mua mấy cái bơm tay nhỏ nhỏ do bơm nhỏ áp suất sẽ không đảm bảo đâu. (ảnh dưới)
  • Tại sao là đèn cảnh báo? Anh em chạy xe máy chắc có gặp trường hợp nhiều chỗ tối thấy có cái xe đạp vút ra như bóng ma đúng chứ, cái đèn này để xe khác thấy anh em mà né, nhỏ nhỏ vậy thôi chứ có là an toàn +1000% liền, đặc biệt cần thiết cho anh em thành phố ngày đi làm tối đạp xe.
  • Tại sao bọc đệm yên hoặc quần đệm? Yên đa số các loại xe đạp thể thao là kiểu yên nhỏ, không có giảm xốc – mút mỏng (ảnh dưới). Nếu anh em mới chơi không dùng 1 trong 2 cái trên thì chỉ cần đạp 10km là anh em đi 2 hàng liền, có thể một thời gian sau khi đi quen thì cũng không đau nữa nhưng nếu đi xe đạp 1 ngày cỡ 70-100km ma sát sẽ rất nhiều nên vẫn luôn là cần thiết.

Phụ kiện không bắt buộc (nhưng vẫn nên có):

  • Mũ BH xe đạp: có cái này đạp xe an tâm hơn hẳn.
  • Bộ vá xe đạp tại nhà (nhiều chỗ hàng vá xe đạp không còn tồn tại nữa nên nên có tại nhà cho đỡ vất vả)
  • Ruột xe/vỏ xe dự phòng (lười vá thì cứ gỡ ra gắn vào).
  • Bình nước chuyên dụng: mua hàng xịn cỡ 200 cành thôi mà tiện lợi, vừa đạp vừa uống được.
  • Khóa xe: nếu đi loanh quanh xong về nhà thì khỏi, còn nếu kiểu cà phê này kia thì nên có, vì xe đạp nhẹ lắm, nhiều trường hợp đạo tặc vác lên vai ngồi lên xe máy chạy mất/xe đạp cũng là tài sản thanh lý dễ, lớ ngớ là mất ngay.
  • Túi xe đạp: bỏ điện thoại, ví, chìa khóa,…
  • Bộ dụng cụ sửa xe đạp đa năng: lâu lâu lỏng ốc có cái mà siết,.. hư xe giữa đường có cái để chữa cháy.

tinhte_kinhnghiemxedap3.jpg
Dụng cụ sửa xe đạp đa năng mình đang dùng.

 

Về cơ bản xe đạp hư cái gì thay được cái đó hết, đồ độ chế nhiều hơn xe máy.

Ví dụ: Tay lái ngang anh em không thích: thay
Bộ đề trông chán quá: thay
Bánh xe nặng quá: thay
Yên cứng quá: thay

Chỉ cần cùng spec là gắn xe này qua xe kia được, anh em thấy sao thoải mái cứ gắn vào.

 

  • Tra dầu sên: định kỳ đừng để khô quá là được.
  • Kiểm tra vỏ ruột: tùy theo loại vỏ xe sẽ có loại chạy 800km cần thay, có loại 2000km,… Em thì thấy nào hư thì thay.
  • Thường em thấy chạy cỡ cỡ 500km nên kiểm tra 1 lần, siết ốc các thứ lại, chạy xe đạp sốc nhiều ốc dễ văng lắm.
  • Ngoài ra có một số việc khác như rửa xe, tra dầu dây thắng,… Nói chung em thấy cứ thấy gì hư sửa ngay, đừng nên cố, cố xong hư nặng xe đó.

tinhte_kinhnghiemxedap4.jpg

Xe này là TrinX 1.0, em này mua 3 năm rồi, giá xe thì rẻ, được cái bằng nhôm nên khá nhẹ (<10kg nếu bỏ hết đồ linh tinh).
Fact: Xe đạp càng nhẹ càng chạy nhanh – càng đắt tiền, anh em chọn xe có thể xem trọng lượng là một tiêu chí để lưu ý.

  • Phụ kiện đang dùng: Bơm bánh xe Xiaomi, 2 túi trước, Baga cọc yên, Đèn trước, Nón BH, Găng tay và 1 cặp bao tay có sừng trâu.
  • Lịch sử bảo dưỡng: Vỏ xe chưa thay lần nào, ruột thì 4 cái. Ngoài ra có 1 lần gãy căm (vênh niềng phải đi rút căm lại). 1 lần đại bảo dưỡng (tháo hết ra tra dầu). Sau 3000-4000km nói chung thấy cũng bền.
  • Dùng thì em thấy khá bền bỉ, mỗi tội em không dám xách đi off Road. Dòng xe nào dùng việc đấy thôi chứ căng quá cong niềng xe lại mệt.

* Cảm ơn anh em đã đọc tới đây. Bài viết có một số yếu tố chủ quan của em, nếu có sai sót hay góp ý gì anh em cứ comment bên dưới để mình sửa nhé.

Bình luận